Tại Hội nghị giao ban công tác quý 1, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 4, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, ưu tiên trọng tâm cải cách chính sách tiền lương là nhiệm vụ hàng đầu trong quý 2.

Triển khai đồng bộ chính sách tiền lương

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai đồng bộ chính sách tiền lương.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: TN

Theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm từ 2025.

Hệ thống bảng lương mới gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp 30% tổng quỹ lương. Ngoài ra, còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị khen thưởng.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.

Theo đó, tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sỹ sẽ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức vừa thể hiện ưu đãi đối với 2 ngành này.

Thẩm định từng phương án sáp nhập, tránh dồn vào một thời điểm

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Chính quyền địa phương tập trung triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Theo phương án của Bộ Nội vụ tổng hợp từ các địa phương, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50. Cụ thể, có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp giảm 14 đơn vị.

Tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.

Tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.

Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.

Bộ trưởng Nội vụ lưu ý, cần chủ động phối hợp các bộ, ngành tổ chức thẩm định hồ sơ đề án của các địa phương, tránh dồn vào cùng một thời điểm; chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện.

Nhiệm vụ nữa cũng được Bộ trưởng Nội vụ lưu ý là chủ trì, chuẩn bị tốt chất lượng báo cáo giải trình trước Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị sự nghiệp, về sắp xếp đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành; tổng hợp kết quả của đề án vị trí việc làm.